Liệu trong bối cảnh hội nhập gần như toàn diện, chiếc bánh logistics tuy lớn nhưng chúng ta sẽ được hưởng bao nhiêu ngay trên đất nước mình?
Chẳng hạn, dịch vụ xếp dỡ hàng hóa sẽ phải cho liên doanh lên tới 49% hoặc các dịch vụ khác như lưu kho bãi… cũng mở cửa cho doanh nghiệp ngoại nhằm thúc đẩy ngành logistics phát triển. Đây sẽ đồng thời là thách thức cho doanh nghiệp trong nước.
Làm sao trong 5 – 10 năm tới có doanh nghiệp logistics Việt Nam mang thương hiệu toàn cầu? Liệu ước mơ này có thành hiện được không, bởi nếu không có những con chim đầu đàn chúng ta không thể cạnh tranh được với nước ngoài.
Ước tính, tổng số 140 doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam có khoảng 4.000 nhân viên chuyên nghiệp và 5.000 nhân viên bán chuyên nghiệp, nhưng chỉ đáp ứng 40% nhu cầu, trong khi dự báo ba năm tới các doanh nghiệp logistics cần thêm 18.000 lao động.
Để tận dụng những cơ hội từ tự do hóa dịch vụ logistics theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định khu vực, Nhà nước và các doanh nghiệp cần nhìn nhận đúng thực trạng phát triển của ngành thời gian qua để từ đó xác định hướng phát triển thị trường logistics một cách bền vững.
Xét ở góc độ nào đó thì Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành vận tải với đường bờ biển dài, nằm ở vị trí chiến lược trung tâm của khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, tốc độ cập nhật ngành logistics Việt Nam còn chậm so với một số nước. Xét về mặt bằng chung trong khu vực, Việt Nam có thể tự hào là không thua kém gì Indonesia, Philippines, thậm chí nhỉnh hơn. Nhưng chúng ta đang thua Thái Lan, đặc biệt là Singapore – quốc gia có tốc độ cập nhật logistics rất nhanh.
Thị trường logistics không đơn giản là bài toán được – mất. Việc phân chia thị phần cũng là tất yếu bởi nó là sự kết nối toàn cầu. Chi phí vận tải chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt đối với vận tải quốc tế. Do vậy, thị phần cần đặt trong bối cảnh là thị phần nào đáng phải có.
Có một thực tế phải thừa nhận là có nhiều lĩnh vực hiện nay doanh nghiệp Việt chưa bước vào được. Chẳng hạn như lĩnh vực hàng không mới có hai hãng lớn là Vietnam Airlines và Vietjet Air, trong khi thế giới đã có hàng trăm hãng hàng không. Đối với vận tải biển, chúng ta cũng gần như bị tê liệt khi không có hãng vận tải quốc gia nào…
Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu nhiều đề án, dự án hỗ trợ thể chế nhằm nâng cao hiệu quả vận tải đa phương thức và logistics. Theo Bộ Giao thông Vận tải, dịch vụ logistics chỉ thực sự phát triển khi Việt Nam có nền tảng cơ sở hạ tầng vững chắc, coi cảng biển là đầu mối tập trung, kết nối tất cả các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không và đường ống.
Như vậy, bức tranh thị trường phản ánh hiện nay là trung thực và cân đối với năng lực cũng như vốn đầu tư mà doanh nghiệp Việt đã bỏ ra. Để giành lại phần lớn trong “chiếc bánh ngon” logistics, doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường đầu tư, đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ.